Cây Dùi Gõ Chuông
Tâm cần được giữ thật tĩnh lặng để có thể nhìn sâu vào bản chất của sự vật. Tôi thường thuyết minh điểm này trước đại chúng với “bài tập cây dùi gõ chuông”.
Tôi đưa cây dùi dùng để gõ chuông thường đặt cạnh chỗ ngồi của tôi và hỏi thính chúng: “Cái gì đây?”
- “Cây dùi” – Một người nói.
- Tôi hỏi: “Gì nữa?”
- “Có hình trụ”. – Một người khác lên tiếng.
- Tôi tiếp tục hỏi: “Còn gì nữa không?”.
- “Một nửa đen, một nửa trắng”; “Nửa trắng bọc vải”; “Dài ba mươi xăng-ti-mét”; “Dùng để gõ chuông”.
- Tôi khuyến khích thêm: “Vật này chỉ có thế thôi à?”
- “Láng bóng”; “Đầu tròn”; “Nơi tay cầm bị mòn”.
Khi đã hết điểm để mô tả mà thính chúng vẫn đang nhìn, họ nhận ra rằng họ vẫn chưa hiểu hết cây dùi gõ chuông là gì. Họ càng nhìn lâu, họ càng thấy thêm đặc điểm khác. Và cái mà họ bắt đầu thấy bây giờ không dùng chữ để mô tả được. Họ nhận ra những tên gọi mô tả rất hời hợt. Cái dùi gõ chuông không chỉ là “một cây dùi?”, “có hình trụ”, “nửa đen nửa trắng”, v.v… Tên gọi sự vật là những gì chúng ta được dạy lúc còn nhỏ ở trường học. Chúng chỉ là cái mà Đức Phật gọi là “thực tại quy ước”. Chúng cản trở sự hiểu biết khi chúng ta lầm tưởng tên gọi là chính sự vật đó. Khi thính chúng của tôi nói “Đó là cái dùi” và nghĩ rằng họ đã nắm chắc được ý nghĩa của nó, họ ngưng tìm hiểu thêm. Tôi phải khuyến khích họ tiếp tục khám phá cho đến khi không còn tên gọi nào nữa, cho đến khi họ bắt đầu thấy vượt ra ngoài những tên gọi, thấy với một tâm tĩnh lặng.
Trích “Từ Chánh Niệm Đến Giác Ngộ”
Thiền Sư Ajahn Brahm